Ngoại tộc xâm lấn Trebonianus_Gallus

Tượng đồng của Gallus có niên đại từ thời ông làm Hoàng đế La Mã, chỉ còn sót lại tượng đồng với kích thước gần như hoàn chỉnh toàn bộ (Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan)[8]

Giống như người tiền nhiệm của mình, Gallus không có lấy một phút giây thảnh thơi để mà trị vì được. Tại phía Đông, một nhà quý tộc Antiochene là Mariades đã nổi loạn và bắt đầu tàn phá SyriaCappadocia, sau đó bỏ trốn sang Ba Tư. Gallus ra lệnh cho quân của mình tấn công người Ba Tư, nhưng Hoàng đế Ba Tư Shapur I đã dẫn quân xâm chiếm Armenia và đánh bại một đội quân La Mã lớn trong trận đột kích ở Barbalissos vào năm 253. Sau đó Shapur I lại tiếp tục xâm chiếm các tỉnh ở Syria không được bảo vệ, tất cả đồn binh lê dương và thành phố tại đây đều lần lượt bị chiếm đóng và tàn phá, bao gồm cả thành Antioch mà không gặp phải phản ứng nào.

Cuộc xâm lược của người Ba Tư còn được lặp lại trong năm sau, thế nhưng lúc bấy giờ Uranius Antoninus (một linh mục ban đầu được gọi là Sampsiceramus), một hậu duệ của hoàng tộc Emesa, đã mang quân giao chiến dữ dội với Shapur và buộc ông phải rút lui. Nhân cơ hội này mà Uranius Antoninus liền tự xưng hoàng đế,[7] sự kiện này được xác đình là nhờ vào các tiền xu được đúc cùng với hình ảnh của ông và hàng chữ bên trên.[9] Cùng lúc đó,trên sông Donau, các bộ tộc người Scythia một lần nữa lại nổi lên như một hiểm họa ngoại xâm bất chấp hiệp ước hòa bình mà họ ký kết với La Mã vào năm 251. Họ xâm chiếm Tiểu Á bằng đường biển, thiêu hủy ngôi đền thờ ArtemisEphesus và trở về nhà với chiến lợi phẩm trong tay. Vùng Hạ Moesia cũng bị xâm lược vào đầu năm 253.[10] Aemilianus, thống đốc vùng Thượng Moesia và Pannonia, dẫn đầu trong cuộc chiến và đã đánh bại quân xâm lược.[11]